DAI LOC TRADING SERVICE MECHANICAL CO.,LTD

PRECISION MECHANICAL PRODUCTION

Hotline : 0913 886951

Chiến lược mới cho ngành Cơ khí Việt Nam

 Ngày 10/11/2015, Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và chủ trì hội thảo.

     Ngày 10/11/2015, Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và chủ trì hội thảo.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2002-2010 có xét đến năm 2020, ngành cơ khí đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp tăng theo từng năm, từ 16% năm 2002 lên 25,1% năm 2010.

         Một số phân ngành cũng đã có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể, về thiết bị toàn bộ, trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất 30.000 tấn/năm…Thiết bị ngành điện đã sản xuất được máy biến áp đến 500 KVA và các thiết bị trạm biến áp đến 220kV…

         Tuy nhiên, một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2002-2010 chưa được hoàn thành, như: mục tiêu đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cho cả nước ngành mới chỉ đáp ứng được 32,31%; Chưa khắc phục được tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí, chỉ tiêu đối với các phân ngành quan trọng như cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến…còn thấp; năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt còn ít ỏi…

         Nguyên nhân là do mục tiêu của ngành đặt ra trong chiến lược giai đoạn vừa qua quá rộng, mang tính chủ quan và chưa đánh giá đầy đủ về khó khăn, cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Các ngành ưu tiên bao phủ gần như toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo trong khi nguồn lực hạn chế, các điều kiện về hạ tầng nền công nghiệp còn yếu kém. Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ tuy nhiên kém tính thực thi do thiếu nguồn lực…

         Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, để khắc phục hiện trạng trên, đồng thời tạo thuận lợi cho ngành phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.

         Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực cơ khí có khả năng cạnh tranh, đáp ứng cơ bản các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và xuất khẩu…Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...Cụ thể, năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21%, năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60%.

         Để đạt được những mục tiêu này, chiến lược mới cũng xây dựng nhiều giải pháp như: Ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, bao gồm các ưu đãi về thuế, biện pháp hỗ trợ đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành; nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy cơ khí…

         Đóng góp ý kiến cho chiến lược mới, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí cho rằng: Ngành cơ khí có 2 loại hàng hóa, một loại vận hành theo quy luật thị trường và loại cần có bàn tay hữu hình của nhà nước. Do vậy trong chiến lược giai đoạn tới cần xác định rõ từng ngành hàng thuộc loại nào đồng thời quy định rõ ràng chính sách hỗ trợ. Có thể, thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp thì tạo cho doanh nghiệp thị trường để doanh nghiệp tự đầu tư, phát triển. “Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế Thái Bình Dương sắp có hiệu lực vì vậy phân ngành nào cần hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào để không vi phạm cam kết là vấn đề cần lưu ý”, ông Sáng nói.

         Theo ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, chính sách hỗ trợ cho ngành tuy đầy đủ nhưng khi triển khai vào thực tế lại rất khó khăn, thậm chí là tụt hậu. Vì vậy, việc ban hành, bổ sung những chính sách sát với thực tế, đặc biệt là việc tạo được thị trường là yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp và cho ngành cơ khí phát triển.

         Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, ngành cơ khí có xuất phát điểm rất thấp có được thành quả như ngày hôm nay là sự nỗ lực lớn. Với những ý kiến đóng góp của đại biểu, Thứ trưởng yêu cầu tổ soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, chính sửa và tiếp tục đưa ra thảo luận cho những lần lấy ý kiến tiếp theo.

         Thứ trưởng cũng cho rằng, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam mang tính định hướng cho ngành phát triển trong giai đoạn tới. Những chính sách hỗ trợ cụ thể sau đó sẽ được xây dựng, ban hành tạo sự đồng bộ trong triển khai, thực hiện.


Written : admin




 
Typing : Off Telex VNI

Search date :