Trong chiến đấu, họ là những người lính quả cảm chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Về với đời thường, những chiến sĩ ấy lại sẵn sàng gánh vác trách nhiệm với gia đình và xã hội, tích cực làm kinh tế để nâng cao đời sống cho chính mình, đóng góp cho cộng đồng, tiếp tục khẳng định vai trò xung kích trên mặt trận mới. Ông Lương Công Xuân ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng rời quân ngũ với rất nhiều thương tích. Khi trở về địa phương, ông theo học nghề may và đứng ra thành lập trung tâm dạy nghề tư thục. Ngay khi bước vào con đường làm ăn kinh tế không ít người trong gia đình phản đối, nhất là người vợ luôn lo lắng cho sức khoẻ của ông bởi cứ trái gió, trở trời ông lại bị những cơn đau hành hạ. "Nhà cửa đàng hoàng, con cái đã trưởng thành, khoản trợ cấp ưu đãi thương binh cũng đủ chi tiêu, nếu chỉ lo giữ sức khoẻ chắc tôi không thể thành lập doanh nghiệp." - Ông Xuân bộc bạch. Với quyết tâm làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng, tháng 6-2004, Doanh nghiệp tư nhân Vạn Xuân ra đời do ông làm giám đốc. Tận dụng mảnh đất của gia đình tại thị trấn Neo cùng với số tiền dành dụm và vay ngân hàng, ông Xuân đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, tuyển dụng công nhân gia công hàng may mặc, thêu ren xuất khẩu. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, doanh nghiệp của ông đã dạy nghề, giúp cho 200 em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam có việc làm ổn định. Năm 2007, ông đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Vạn Xuân 27-2. Ngoài các lĩnh vực sản xuất chính gồm may mặc, thêu ren, đào tạo nghề, ông Xuân còn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực chạm khắc đồ mỹ nghệ, sản xuất nước uống tinh khiết… Phương châm của đơn vị là những sản phẩm không đạt chất lượng sẽ không giao cho khách hàng. Chính nhờ biết trân trọng chữ "tín" trong kinh doanh nên các sản phẩm của Công ty đã chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2010, Công ty cổ phần Vạn Xuân lên kế hoạch doanh thu thực hiện đạt 3,5 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng so với năm 2009, bảo đảm việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập từ 1,4-1,6 triệu đồng/người/tháng. Xét về quy mô và doanh thu, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình thương binh 4/4 Dương Hải Minh, thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh (Lạng Giang) khiêm tốn hơn. Nhưng đáng khâm phục ở chỗ ông Minh đã năng động, xoay sở tìm hướng thoát nghèo và đã thành lập một tổ hợp cơ khí chuyên sản xuất, cung cấp các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy thái rau, máy tuốt lúa, dụng cụ cho xe cải tiến, ô tô… tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Minh còn đầu tư chăn nuôi lợn, ươm cá giống, trồng cây ăn quả mỗi năm cho doanh thu 50 triệu đồng. Được tham quan mô hình kinh tế và nghe câu chuyện làm ăn của các cựu chiến binh năm xưa, tôi thầm cảm phục ý chí vươn lên của những người lính trên trận tuyến mới. Họ thực sự đang làm giàu cho mình, cho quê hương đất nước. Công Nguyên Other news :
|